Đồ ăn thức
uống ở nước Đức vô cùng phong phú, đa số được trồng hay
được sản xuất ngay tại nhà. Những bữa ăn kết hợp giữa thịt
ướp nhiều thứ gia vị với cá muối kèm với rau và thông cổ
bằng rượu vang hay bia là những món khoái khẩu của người
Đức.
Mặc dù kỹ thuật bếp núc của người Đức xoay
quanh các món thịt bò và thịt cừu, nhưng giờ đây đã ngày
càng có nhiều nhà hàng ăn chay trên khắp nước Đức. Người
Đức cũng ăn một chút những món ăn chơi giữa các bữa ăn chính
khi họ đói bụng, và thỉnh thoảng cũng tổ chức tiệc tùng
cho thêm phần rôm rả.
Ở những vùng khác nhau thì cùng một loại
món ăn lại có những cách nấu nướng khác nhau. Trong một
nhà hàng ở Bavaria, bạn không thể kêu một món đúng như món
bạn đã từng ăn ở miền bắc Schleswig-Holstein, nhưng cả hai
đều đáng nếm thử.

Đặc Sản Địa Phương
Ở Đức có trên 200 loại Wurst, tức là xúc
xích làm từ thịt bê, thịt lợn, óc heo, mù tạc, gia vị và
bột cà ri. Mỗi vùng lại có một loại xúc xích riêng của mình,
từ loại xúc xích trắng của Bavaria với rau mùi tây và hành
cho đến xúc xích Chipolata nướng trên than hồng.
Bánh huyết, thịt gà cắt thành miếng phủ
vụn bánh mì, những lát thịt bò và thịt hươu, cá nục bắt
từ biển Bắc xông khói và muối chua, bắp cải muối, món salát
khoai tây gọi là Kartoffelsalat, bắp cải đỏ ướp gia vị,
còn nấm thì mọc ở khắp mọi nơi trong nước và được chế biến
theo đủ mọi cách.
Có rất nhiều loại bánh mì khác nhau được
phục vụ tại các nhà hàng và có thể mua hàng ngày ở các cửa
hàng bánh. Nhiều người thích loại bánh mì Pumpernickel nhiều
hương vị làm bằng lúa mạch đen, hơi có chút vị đắng sau
khi ăn.
Ở một số vùng, nhất là Baden-Wüttermberg,
Moselle, Frankfurt và Bavaria, người ta đặc biệt quan tâm
đến chất lượng thực phẩm. Đây cũng là những vùng sản xuất
rượu vang. Những đặc sản địa phương ở đây gồm có lươn, xúp
mận và rau, cá lục tươi ở Hamburg; món Hoppel Poppel, trứng
ốp lết với khoai tây và thịt xông khói ở Berlin; heo sữa
và giò heo quay ở Bavaria; thịt xông khói ăn với bánh mì
Pumpernickel ở Westphalia; cá luộc hoặc chiên có phủ vụn
bánh mì, đặc biệt là cá trê sông Donau gần Passau; xúc xích
đủ các kiểu ở Nürnberg; nước xốt rau xanh với thịt heo bằm
hoặc thịt bò ở Frankfurt.
Những món khoái khẩu khác có bánh bao hấp
Bavaria gọi là Klossel và mì Swabia (giống như mì dẹp của
Ý) dùng làm món ăn phụ với thịt hay rau. Củ cải của Bavaria
cũng là một món ăn chơi được ưa thích, nhất là để làm mồi
uống bia.

Rượu
Đức sản xuất nhiều loại rượu vang, thường
là ở vùng Rheinland. 80% rượu vang Đức là vang trắng, mà
đa số là vang ngọt. Rượu vang được phân loại thành vang
thường uống trong bữa ăn, vang chất lượng cao, và vang thượng
hạng. Giá cả cũng tùy chất lượng mà tăng dần. Người Đức
cũng uống vang mới, như vang Frühwein hoặc vang Federwein,
và vang có gas như Seckt. Rượu vang ở Đức không bị đánh
thuế.

Luật Bia Reinheitsgebot
Kỹ nghệ bia Đức đã được kiểm soát gắt gao
ngay từ Thế kỷ XVI, cốt để cho bia luôn đạt chất lượng cao.
Sắc lệnh của chính quyền bang Bavaria năm 1516 - gọi là
Rheinheitsgebot – quy định bia chỉ được gồm mạch nha lúa
mạch, húp-lông và nước, ngoài ra tuyệt đối không có gì khác.
Tiêu chuẩn này được thi hành trên khắp nước Đức suốt nhiều
thế kỷ như một bảo đảm về chất lượng cao của bia Đức. Từ
khi Đức trở thành Thành viên của Liên minh Châu Âu (EU)
thì bia của các nước khác cũng được phép bán ở Đức, nhiều
người Đức cảm thấy chúng không thể nào sánh được với bia
Đức.
Bia không chỉ là đồ uống khoái khẩu của
dân Đức mà còn là một ngành công nghiệp chế biến quan trọng
của đất nước này. Đức có khoảng 1.600 hãng bia, và là nhà
sản xuất bia đứng hàng thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ.
Tính theo đầu người, người Đức uống bia
nhiều nhất thế giới - khoảng 150 lít trên mỗi đầu người
một năm – hơn bất cứ quốc gia nào khác. |