Đức là một
trong những nền kinh tế công nghiệp nặng đứng hàng đầu trên
thế giới. Đức nằm trong nhóm G-7, đại diện cho 7 quốc gia
giàu nhất thế giới. Và với tư cách là một cường quốc hàng
đầu trong liên minh Châu Âu, nước Đức đang phấn đấu cho
một sự thống nhất kinh tế chặt chẽ hơn của châu lục này.
Các ngân hàng Đức cũng rất hùng mạnh. Ví dụ, những quyết
định của ngân hàng quốc gia Đức, Deutsche Bundesbank, về
các vấn đề tiền tệ và lãi suất có ảnh hưởng đến tất cả các
đồng tiền có liên quan đến đồng Mark Đức cũ trong hệ thống
tiền tệ Châu Âu. Ngoài ra, đồng DM cũ là một trong những
đồng tiền chuẩn để đối giá với đồng đô la.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nước
Đức đã bị suy giảm tạm thời trong những năm 1990, do ảnh
hưởng của sự suy thoái toàn cầu và do những chi phí rất
lớn để sắp xếp lại dân cư và những ngành công nghiệp không
hiệu quả của Đông Đức cũ.
CÔNG NGHIỆP XE HƠI CỦA NƯỚC ĐỨC
Ngành công nghiệp xe hơi của nước Đức là
ngành có quy mô lớn nhất ở châu Âu. Năm 1991 có 4,2 triệu
xe hơi đã được sản xuất và một nửa trong số đó được bán
ra nước ngoài. Chỉ có Nhật Bản và Mỹ là có sản lượng xe
hơi sản xuất hàng năm nhiều hơn Đức mà thôi.
Thành công lớn nhất của nước Đức là trong
ngành sản xuất xe hơi chất lượng cao. Có lẽ những mác xe
hơi quan trọng nhất thế giới ngày nay đều có xuất xứ từ
nước Đức. Một người tên là Gottlieb Daimler đã phát minh
ra động cơ xăng vào năm 1880 ở thành phố Stuttgart, trong
khi một người khác là Karl Benz cũng có một phát minh tương
tự ở Mannheim cách đó 130 Km.
Khi họ gặp nhau, họ quyết định làm việc
chung để thiết kế ra một kiểu xe hơi. Kết quả là năm 1899,
chiếc Daimler kiểu mới ra đời, được đặt tên theo tên con
gái nhà quản lý Emil Jellinek là Mercedes Benz vơớ dấu hiệu
sao 3 cánh đã trở thành một cái tên chung lan truyền khắp
thế giới trong nhiều thập kỷ.
Một công ty xe hơi khác của nước Đức cũng
rất nổi tiếng, đó là công ty Bayerische Motoren Werke, được
biết đến nhiều hơn dưới cái tên rút gọn là BMW, một công
ty sản xuất các động cơ máy bay từ thời thế chiến thứ I,
sau đó bành trướng sang lãnh vực ôtô và xe hơi thể thao.
Nhưng trong thập niên 1950, tương lai của công ty trở nên
bấp bênh mãi cho đến khi các cổ phần chính của nó là gia
đình Quandt mua lại công ty và biến nó trở thành một thế
lực trong ngành chế tạo ôtô như hiện nay.
Sản phẩm của một công ty xe hơi khác của
Đức trở thành đối thủ cạnh tranh của Daimler Benz để giành
vị trí mác xe nổi tiếng nhất thế giới là xe Volkswagen.
Năm 1938, hãng Volkswagen (có nghĩa là „xe hơi bình dân“)
bắt đầu sản xuất hàng loạt một mẫu xe được thiết kế từ năm
1936 bởi hãng Ferdinand Porsche của Áo. Họ tiếp tục sản
xuất loại xe này sau Thế chiến thứ II dưới sự điều hành
của một nhà quản lý năng động là Heinz Nordhoff.
Công ty vẫn bị quốc hữu hóa toàn bộ mãi
cho đến năm 1961, nhưng doanh số của nó bắt đầu sút giảm
liên tục vì dân chúng đã trở nên giàu hơn và họ có thể mua
những loại xe đắt tiền hơn. Tính đến điều đó, hãng phát
triển một loại xe „Käfer“ (xe thanh niên) vào những năm
1980, và đó là chiếc Volkswagen Golf có doanh số thuộc hàng
bán chạy nhất trên thế giới.
Hãng Volkswagen, có liên hệ với hai mác
xe nổi tiếng khác nữa. Thứ nhất, công ty sở hữu chiếc Audi,
một trong những hiệu xe sang trọng phổ biến nhất trên thế
giới. Thứ hai, Ferdinand Porsche rời Volkswagen và lập ra
một công ty ôtô của riêng mình vào những năm 1950. Hiện
nay những người chuộng xe hơi thể thao vẫn còn yêu thích
kiểu dáng thiết kế đẹp của chiếc Porsche, một nửa sản lượng
xe Porsche đã được bán ở Hoa Kỳ.
Nhưng có một ghi nhận buồn: công ty xe
hơi Trabant của Đông Đức cũ là một câu chuyện bi kịch của
ngành sản xuất xe hơi. Nó phải đóng cửa chỉ một thời gian
ngắn sau khi nước Đức tái thống nhất, khi phải đối mặt với
sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những nhà sản xuất xe hơi hùng
mạnh và nổi tiếng hơn. Và hậu quả là một triệu người mất
việc làm.

SỰ CHÊNH LỆCH GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY
Sau ngày tái thống nhất, nước Đức đã phải
trải qua nhiều năm khó khăn để ổn định tình hình, cần phải
có thời gian trước khi 17 triệu người dân đang háo hức gặt
hái được những lợi tức kinh tế cho mình. Với hoàn cảnh kinh
tế mới, những ngành công nghiệp và các doanh nghiệp của
Đông Đức cũ đang suy sụp, một số lớn đã phải đóng cửa và
ngưng hoạt động. Các nhà quản lý có năng lực của Tây Đức
đang giúp để cho một số doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn
tại được, nhưng lực lượng lao động ở đây có tay nghề yếu
hơn và có ít động cơ làm việc hơn.
Vào năm 1992, phần của Đông Đức trong tổng
sản phẩm quốc gia chỉ chiếm có 7%, và năng suất lao động
chỉ bằng 30% so với Tây Đức. Sự trái ngược giữa các xí nghiệp,
các ngành và các doanh nghiệp ở hai vùng Đông và Tây rất
lớn cả về trang thiết bị, trình độ nhân công, tiêu chuẩn
an toàn lao động và năng suất. Một cơ quan chính phủ, gọi
là Treuhandanstalt đã được thành lập để tái cấu trúc lại
toàn bộ nền kinh tế Đông Đức, chuyển sang nền kinh tế thị
trường tự do. Đến cuối tháng 08.1993 có 12.800 xí nghiệp
đã được tư nhân hóa và gần 3.000 xí nghiệp bị đóng cửa,
số chưa được xử lý vẫn còn tới 1.500 xí nghiệp.

CÁC VẤN ĐỀ HIỆN TẠI
Đông Đức đang cần đầu tư rất lớn trong
lãnh vực hạ tầng vì hầu hết nhà cửa ở đây đều đã xuống cấp
và cần được sửa chữa. Năng suất nông nghiệp bị ảnh hưởng
nặng nề bởi việc cải cách ruộng đất trước đây, khi đó những
trang trại vượt quá 100 Hec-ta đều bị tịch thu và phân chia
lại thành những trang trại nhỏ hơn, hoạt động theo hình
thức hợp tác xã. Xử lý lại vấn đề ruộng đất như thế nào
cho đến giờ vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Việc thống nhất tiền tệ, thông qua việc
đổi tiền Đông Đức sang tiền Tây Đức, được hoàn thành vào
tháng 06.1991, cho dù không phải là không có những người
bị tổn thất lớn trong các khoản tiền tiết kiệm của mình.
Niềm hân hoan ban đầu đối với việc tái
thống nhất nay đã biến mất khi hàng ngàn các vấn đề xuất
hiện, chủ yếu là các vấn đề kinh tế và xã hội. Chính phủ
thấy rằng đưa những người dân vốn đã sống quen với xã hội
cộng sản sang xã hội tư bản chủ nghĩa thật chẳng dễ dàng
chút nào. Trong cuộc thi đua kinh tế, Đông Đức đã bị tụt
hậu khi họ cố gắng bảo đảm công việc làm theo lối cộng sản
chủ nghĩa (sản xuất kém) và kiểm soát thị trường tự do.
Một số xí nghiệp Tây Đức đã mau chóng thuê được những nhân
lực giỏi nhất, lấy mất của Đông Đức cũ những chuyên gia
có kinh nghiệm, đặc biệt trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe
và điều dưỡng.
Các công nhân Tây Đức thoạt đầu cũng hài
lòng với việc tái thống nhất với các đồng bào của họ, nhưng
bây giờ cảm thấy công ăn việc làm của họ đang bị đe dọa
bởi dòng thác những công dân có tay nghề từ Đông Đức tràn
sang, những người sẵn sàng làm việc với tiền công thấp hơn,
bởi vì họ đã quen nhận mức thu nhập còn thấp hơn thế nữa
ở các xí nghiệp Đông Đức cũ. Nhất là người Tây Đức phải
đóng thêm 5% thuế đoàn kết để tài trợ cho việc tái xây dựng
lại Đông Đức.
Tinh thần bài ngoại, bài Do Thái và chủ
nghĩa phân biệt chủng tộc đã tìm thấy sự ủng hộ trong số
những người Đông Đức nghèo khổ. Những vụ tấn công người
nhập cư của các tổ chức tân phát xít đang gia tăng và một
số thành phố đã xảy ra nổi loạn.

NGHIỆP ĐOÀN
Nước Đức có một bộ luật lao động rất nghiêm
ngặt để bảo vệ quyền lợi của những người lao động, và cho
họ có được tiếng nói thực tế trong việc điều hành công ty
nơi họ đang làm việc, bằng cách quy định chế độ đại diện
công nhân trong ban quản lý. Các công ty sử dụng trên 2.000
nhân công có một Aufsichtsrat, tức là một hội đồng bao gồm
các đại biểu của công nhân và ban quản lý. Các cơ sở có
trên 5 công nhân phải có một Betriebsrat, tức hội đồng công
nhân. Những hội đồng này sẽ được tham khảo ý kiến đối với
các vấn đề như tuyển mộ, sa thải, thất nghiệp và công nghệ
mới.
Trong những năm 1930, các phong trào của
người lao động chia thành hơn 200 nhóm khác nhau, khiến
cho không thể chống lại được chủ nghĩa quốc xã. Ngày nay,
ở Đức có 17 nghiệp đoàn trong Deutscher Gewerkschaftsbund
- liên minh các nghiệp đoàn nước Đức - và những nghiệp đoàn
này tự coi mình như những người canh gác bảo vệ cho nền
dân chủ. Khoảng 38% người lao động tham gia các nghiệp đoàn,
trong các ngành công nghiệp nặng thì tỷ lệ đó vào khoảng
85 - 90%.
Các nghiệp đoàn đấu tranh cho điều kiện
lao động tốt hơn, nhưng nỗi lo lắng lạm phát khiến cho họ
không dám đòi tiền công quá mức. Các nghiệp đoàn thu xếp
để sao cho tất cả các công nhân trong cùng một công ty sẽ
cùng ở trong một công đoàn để tránh có sự xung đột và tránh
phải thương lượng nhiều lần. Một khi thỏa thuận về tiền
công hàng năm đã được ký kết thì cũng giống như đã ký được
hiệp ước hòa bình và sẽ không có bãi công; trong quá trình
thương lượng phải trải qua nhiều giai đoạn, và khi đó một
cuộc đình công có thể xảy ra nếu được 75% số công nhân bỏ
phiếu chấp thuận. Chỉ có công đoàn mới có quyền kêu gọi
bãi công.
Người Đức là những người có truyền thống
làm việc cần cù kỷ luật, cho dù có nhiều người cho rằng
điều đó không đúng. Người Đức cũng có thời gian làm việc
trong tuần ít nhất tại Châu Âu, chỉ sau người Bỉ, mỗi năm
họ có 5 hay 6 tuần nghỉ phép và các ngày lễ công cộng được
trả lương, tổng cộng là 39 ngày trong năm. |