Lịch sử của
nước Đức còn khá mới mẻ, vì chỉ từ năm 1871, nước này lần
đầu tiên mới được thống nhất như một quốc gia. Nhưng lịch
sử của dân tộc Đức thì lại lâu dài hơn rất, rất nhiều.
LỊCH SỬ SƠ KỲ
Vào thời đại Đồ đồng đã có nhiều bộ lạc
German sống ở vùng đông nam bán đảo Scandinavia và ở miền
bắc Đức. Khoảng Thế kỷ thứ I, những người La Mã đã mưu toan
bành trướng đế chế của họ về phía vùng đông bắc, nhưng họ
đã bị bộ lạc German Cherusci dưới sự lãnh đạo của Arminimus
đẩy lui vào năm thứ 9 Tây lịch. Sau đó, người La Mã lấy
sông Rheine và sông Donau làm biên giới của họ với những
bộ lạc German, và họ đã củng cố thêm cho những chướng ngại
thiên nhiên này bằng một bức tường dài 545 Km, gọi là Limes,
vài đoạn của bức tường thành này ngày nay vẫn còn.
Vào Thế kỷ thứ III những người Hung Nô
Mông Cổ tràn sang Châu Âu, và bắt đầu thời kỳ di cư lánh
nạn của các bộ lạc German - Ostrogoth, Visigoth và Vandals
- mà ngày nay được gọi là Völkerwanderung. Bộ lạc German
Vandals tiến đến vùng sông Rheine vào năm 46, và kết quả
là đã dẫn đến sự xụp đổ của đế chế La Mã ở vùng đất này.
Bộ lạc Goth và những bộ lạc German khác cũng đã dừng chân
ở đó cùng với bộ lạc Vandals vào khoảng nữa cuối Thế kỷ
thứ IV.
Vào cuối Thế kỷ thứ V, những người Frank
láng giềng dưới triều vua Merovingian là Clovis đã bành
trướng quyền kiểm soát chính trị của họ đối với các vùng
đất từ bắc Tây Ban Nha và bờ biển Đại Tây dương cho đến
vùng sông Rheine, biến tất cả những người dân ở đây thành
người công giáo. Vào đầu Thế kỷ thứ VIII, Người Frank đã
xâm chiếm toàn bộ vùng đất của các bộ lạc German, chỉ trừ
vùng Saxon.

THỜI TRUNG ĐẠI
Charlemagne, mà người German gọi là Karl
Đại đế (trị vì trong những năm 768-814), được phong làm
hoàng đế La Mã vào năm 800. Ông chinh phục và cải đạo những
người Saxon thành người công giáo vào năm 805. Sau cái chết
của Charlemagne, vương quốc của những người Frank phía Đông
trở thành Vương quốc German dưới sự trị vì của Ludwig người
German (843-876); Tây Frank trở thành phần lãnh thổ ngày
nay là nước Pháp; còn vùng lãnh thổ ở giữa, Lotharingia,
trở thành Loraine.
Về sau một ông vua German khác, Otto Đại
đế (936-973), đánh bại những người Magyar xứ Hungary ở Lechfeld
vào năm 955, chiếm vùng miền bắc Italia và được phong làm
hoàng đế La Mã vào năm 962. Từ đó cho đến năm 1806, tất
cả các ông vua German đều trở thành hoàng đế. Nhà thờ trở
thành một bộ phận trong hệ thống cai trị của đế chế, được
hưởng của cải, đất đai và thế lực.
Dưới thời Heinrich IV (1056-1106), hoàng
đế tranh chấp quyền bính với Giáo Hoàng, từ đó dẫn đến sự
phân biệt của Giáo Hội và sự bất hòa trong số các hoàng
tử của vương quốc German. Friedrich I của vương triều Hohenstaufen,
còn được gọi là Barbarossa (1152-1190), khởi sự những cuộc
chiến tranh chống lại Giáo Hoàng, chống người Italia và
người Saxon. Nhưng những cuộc nổi dậy đơn lẻ của các hoàng
tử và vương công German đã làm suy yếu vương triều và dẫn
đến sự chấm dứt của triều đại Hohenstaufen vào năm 1268,
nền quân chủ cuối cùng đã trở thành tài sản tranh chấp giữa
các hoàng tử và các vương công. Việc khai khẩn thuộc địa
của người German ở bờ Đông sông Elbe cũng diễn ra vào thời
kỳ này, và với các hiệp sĩ Teutonic, họ đã truyền bá đạo
công giáo ra hầu khắp bờ biển Baltic. Năm 1356, đế chế đã
định ra luật lệ bầu vua cho nước Đức. Các hoàng tử và các
vương công được tham dự bầu cử, ngoài ra còn thêm một vài
thành phố mà thế lực và tầm quan trọng đang ngày càng gia
tăng trong vương quốc.

VƯƠNG TRIỀU HAPSBURG
Sự trổi dậy của vương triều Hapsburg được
coi như dấu hiệu tăng cường quyền lực của hoàng đế, với
việc Rudolf I (trị vì từ 1273-1291) thực tế kiểm soát nước
Đức và nước Áo. Những người cầm quyền tiếp theo của dòng
họ Hapsburg, Maximilian I (1483-1591) và cháu của ông là
Charles V (1519-1556) đều là những hoàng đế La Mã đầy quyền
lực.
Cũng chính trong triều đại này, vào năm
1517, Martin Luther đã dán lên cổng nhà thờ Wittenberg bản
cáo trạng gồm 95 điều, chống lại những sự lộng hành của
Giáo Hội, và khởi đầu cho một chuỗi những sự kiện lớn mà
ngày nay được biết dưới cái tên cuộc cải cách tôn giáo hay
cải cách Tin Lành.
Chỉ trong vòng một vài năm, nhiều hoàng
tử, vương công đã trở thành người cải giáo, và các cuộc
chiến tranh tôn giáo diễn ra mãi cho đến khi hòa ước Augsburg
được ký kết vào năm 1555, cho phép những người Tin Lành
cũng được quyền thờ phượng như những người công giáo khác.
Khoảng 1/2 người Đức trở thành những tín đồ Tin Lành.
Không may là hòa bình chẳng kéo dài được
lâu. Cuộc chiến tranh 30 năm (1618-1648), được kích động
bởi sự hằn thù tôn giáo, cuối cùng cũng chấm dứt với Hiệp
ước Westphalia. Sau cuộc chiến này, dân số nước Đức đã giảm
mất 1/3. Nền hòa bình đã phải trả giá bằng phần lớn sức
mạnh còn lại của vương triều Hapsburg. Nó cũng nhận chìm
ý đồ tiến ra biển của nước Đức, để lại 1.800 tiểu quốc độc
lập về chính trị. Một số nhà cầm quyền trong các tiểu quốc
này, trong đó có Frederick II vĩ đại của nước Phổ và Joseph
II của nước Áo, đã cai trị một cách sáng suốt, chăm lo nhiều
đến văn hóa và triết học.

NƯỚC ĐỨC THẾ KỶ XIX
Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã gây ra
nhiều xáo trộn ở nước Đức. Khi vùng tả ngạn sông Rheine
và Berlin bị chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Napoleon,
và hoàng đế La Mã cuối cùng, Franz II, buộc phải thoái vị
vào năm 1806, thì ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc Đức bắt đầu
được châm ngòi.
Hội nghị viên nhóm họp năm 1815, vào lúc
kết thúc cuộc chiến tranh Napoleon. Tại hội nghị, một nước
Đức Liên minh được thành lập, gồm 35 công quốc và bốn thành
phố, với một nghị viện ở Frankfurt. Năm 1834, một liên minh
thuế quan toàn nước Đức được hình thành, kết nạp ngày càng
nhiều các tiểu quốc nhỏ. Liên minh này đã tạo ra một thị
trường nội địa thống nhất thay thế cho vô số những sắc thuế,
những đồng tiền và những hàng rào kiểm soát manh múm.
Nhà nước Phổ - Brandenburg mở rộng quyền
lực trong suốt nữa cuối thế kỷ XIX dưới sự lãnh đạo của
vị thủ tướng đầu tiên, Otto von Bismarck. Cuộc chiến tranh
Đức - Đan Mạch năm 1864 đã sát nhập xứ Schlewig và xứ Holstein
vào đế chế Áo - Phổ. Năm 1886, sau một cuộc tranh chấp về
quyền sở hữu các vùng đất này, Phổ đã đánh bại Áo để giành
quyền kiểm soát chúng. Chiến thắng này đã biến đế chế Phổ
trở thành nhà nước hùng mạnh nhất trong nước Đức.
Rồi sau đó nước Phổ giải tán nước Đức liên
minh và thay thế bằng một liên bang Bắc Đức, Bismarck được
chọn làm Thủ tướng của liên bang này. Và năm 1870, một cuộc
chiến chớp nhoáng và thắng lợi trước nước Pháp đã thêm vào
cho nước Đức các tỉnh Alsace và Lorraine. Các công quốc
phía nam nước Đức về sau cũng gia nhập với những người láng
giềng miền Bắc, hình thành nên đế quốc Đức, hay còn gọi
là đế chế thứ Nhất. Ngày 18.01.1871, vua William I của Phổ
trở thành hoàng đế (Kaiser) của một đế chế gồm 20 công quốc
và ba thành phố.

THẾ CHIẾN THỨ I
Sau những cuộc khủng hoảng ở Ma-rốc và
các quốc gia vùng Balkan, và sự cạnh tranh ngày càng tăng
giữa các cường quốc Châu Âu với nhau, chiến tranh đã được
châm ngòi với vụ ám sát quận công Franz Ferdinand, người
kế vị ngai vàng nước Áo, ở Serbia vào Tháng 06.1914. Nước
Áo chiếm đóng Serbia với sự ủng hộ của nước Đức, trong khi
đó nước Nga đứng về phía Serbia và được Pháp ủng hộ. Sau
đó Đức đã tuyên chiến với Pháp, chiếm lấy Bỉ để phá vỡ thế
phòng thủ của Pháp. Hành động này đã đẩy nước Anh vào vòng
chiến để bảo vệ nền trung lập của nước Bỉ.
Thế chiến thứ I, thoạt đầu chỉ được coi
như một cuộc chiến chớp nhoáng, nhưng cuối cùng nó đã trở
thành một cuộc chiến tranh tồi tệ nhất trong lịch sử Châu
Âu. Cuộc chiến trên các triền dốc vùng đông bắc nước Pháp
đã kéo dài trong suốt bốn năm trời đau đớn, với những tổn
thất khủng khiếp cho cả hai phía. Những trận chiến Verdun
và Somme đã trở thành biểu tượng cho những nổi khủng khiếp
của chiến tranh. Sự tham gia của nước Mỹ vào cuộc chiến
năm 1917 đã tạo ra một bước ngoặc chống lại nước Đức và
các đồng minh. Tháng 11.1918 - tiếp sau một cuộc ngừng bắn
- một hiệp ước đã được ký kết và Thế Chiến thứ I kết thúc.
Hoàng đế nước Đức thoái vị và bỏ trốn.

NHỮNG HẬU QUẢ CỦA THẾ CHIẾN THỨ I
Hiệp ước Versailles buộc nước Đức và các
đồng minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc chiến.
Những kẻ thắng trận ấn định những khoản bồi thường (chiến
phí) và cố gắng ngăn chặn không để cho một nước Đức quân
phiệt xuất hiện trở lại trong tương lai.
Trong thời gian chiến tranh và những năm
hòa bình sau đó, nước Đức đã mất 27.000 dặm vuông lãnh thổ
và 7, 2 triệu sinh mạng, 15% sản lượng nông nghiệp, 10%
năng lượng chế tạo, 75% sản lượng quặng sắt và tất cả các
thuộc địa ở nước ngoài. Đông Phổ và Tây Phổ bị chia cắt
đã tạo điều kiện cho nước Ba Lan tiến vào biển Baltic, và
thành phố Danzig (ngày nay là Gdansk ở Ba Lan) được tuyên
bố là thành phố tự do. Vùng Alsace-Lorraine được trả về
Pháp, nước Pháp cũng chiếm luôn cả vùng công nghiệp Saarland.
Ba triệu người Đức đã bị bỏ rơi trên các lãnh thổ bên ngoài
nước Đức.

NỀN CỘNG HÒA WEIMAR
Nền cộng hòa đầu tiên của nước Đức là một
thử nghiệm về nền dân chủ, xuất hiện ngay sau thất bại quân
sự nặng nề của nó. Các chính khách xã hội dân chủ có thiện
ý nhưng rốt cuộc lại không thuyết phục được mọi người cố
gắng để củng cố lại đất nước, nhưng việc mất vùng Alsace-Lorraine
vào tay nước Pháp và những khoản bồi thường nặng nề đã làm
cho đất nước lụn bại về kinh tế. Nước Đức không thể trả
nổi các khoản bồi thường chiến tranh, vì thế vào năm 1923,
Pháp chiếm vùng mỏ than Ruhr để trừ vào những khoản bồi
thường chiến tranh.
Tinh thần quốc dân bị suy sụp nặng nề,
lạm phát tăng đến mức độ khủng khiếp. Một đô la Mỹ ăn 9
Mark Đức (DM) vào năm 1919, đến tháng 01.1923 đã tăng lên
17.972 DM và đến tháng 11.1923 đã là 4,2 tỷ DM, vì thế nền
kinh tế thực chất đã trở lại với chế độ trao đổi bằng hiện
vật. Thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929 và cuộc
đại suy thoái tiếp sau đó đã để lại một nước Đức với 7 triệu
người thất nghiệp. Tất cả những điều đó cuối cùng đã dẫn
đến sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan cánh tả và cánh hữu.

THỜI KỲ HITLER
Phong trào xã hội chủ nghĩa quốc gia -
tức là quốc xã hay còn gọi là Nazis - một tổ chức cánh hữu
cực đoan do Adolf Hitler lãnh đạo, đã trở thành một thế
lực trong thời kỳ suy thoái. Phong trào này chống lại chủ
nghĩa cộng sản, đổ tội cho các chủ ngân hàng và các nhà
tài chính người Do Thái, cũng như những yêu sách bồi thường
của nước Pháp thù địch là nguyên nhân của tình cảnh khốn
khổ của nước Đức. Mục tiêu của nó là phục hồi lại dân tộc
Đức với tất cả những vùng lãnh thổ của nó (và những người
Đức đang sống trên các lãnh thổ này) đã bị mất vào năm 1918.
Sự ủng hộ của dân chúng đã giúp cho chủ nghĩa quốc xã phát
triển, và đến năm 1932 đảng quốc xã đã trở thành đảng mạnh
nhất trong nghị viện.
Ngày 30.01.1933, Hitler được Tổng thống
Hindenburg chỉ định làm thủ tướng. Năm 1934, Hindenburg
chết và Hitler tự tuyên bố mình là nhà lãnh đạo, hay quốc
trưởng (Führer). Năm 1935, dân chúng vùng Saaland biểu quyết
trở về với nước Đức, và những năm sau đó Hitler đã tái vũ
trang vùng sông Rheine bất chấp những điều khoản của hiệp
ước Versailles. Việc tái vũ trang thúc đẩy ngành công nghiệp
chế tạo phát triển, và việc xây dựng những con đường cao
tốc quy mô lớn đã giúp thanh toán được nạn thất nghiệp.
Những thành quả đó đã làm cho chủ nghĩa quốc xã được ưa
thích trong quần chúng.
Ảo tưởng điên khùng của Hitler về chủng
tộc Đức thượng đẳng bắt đầu xuất hiện. Ông ta biệt đãi chủng
tộc Arian và ủng hộ việc thanh lọc chủng tộc và tiêu diệt
chủng tộc Do Thái. Người Do Thái bị tước đoạt mọi quyền
công dân, các doanh nghiệp Do Thái và các giáo đường Do
Thái bị đập phá một cách tàn bạo theo một kế hoạch rất có
tổ chức và có hệ thống. Trong những năm 1940, với cái được
gọi là giải pháp tối hậu, Hitler đã đầy hàng triệu người
Do Thái vào các trại tập trung, nơi hầu hết trong số họ
đã bị tra tấn hành hạ và bị giết chết bằng hơi ngạt.

THẾ CHIẾN THỨ II
Chính sách đối ngoại của Hitler nhắm vào
mục tiêu thống nhất dân tộc Đức trong một nước Đức vĩ đại
hơn để thống trị châu Âu, bắt đầu bằng việc sát nhập nước
Áo vào đế chế năm 1938. Hành động này đã gây nên đôi chút
lo lắng. Nhưng điều làm cho quốc tế quan ngại hơn là việc
sát nhập một phần lãnh thổ Tiệp Khắc vào nước Đức. Ngày
01.09.1939, Thế chiến thứ II bùng nổ khi nước Đức xâm lược
Ba Lan. Anh và Pháp, những đồng minh của Ba Lan, ngay lập
tức tuyên chiến với Đức. Ba Lan bị đánh bại và phân chia
giữa Đức và Liên Xô theo một Hiệp ước bí mật ký giữa hai
nước. Những đất đai thuộc nước Phổ trước đây được „trả lại“
cho nước Đức. Sau đó, Hitler chuyển quân đội mình lên hướng
bắc, chiếm Đan Mạch và Na Uy. Rồi ông ta quay xuống phía
nam chiếm Bỉ, Hà Lan, Pháp, Nam Tư và Hy Lạp. Năm 1940,
Đức và Ý hình thành một liên minh, và cuộc xung đột lan
đến Bắc Phi. Năm 1941, Hitler quay lại chống người đồng
minh cũ Liên Xô và xâm lược nước Nga. Khi Nhật Bản tấn công
Trân Châu Cảng tháng 12.1941, nước Đức lập tức tuyên chiến
với Hoa Kỳ.
Cuộc chiến diễn ra theo chiều hướng có
lợi cho nước Đức mãi cho đến cuối năm 1942, khi các quân
đoàn Đức chịu những thất bại khủng khiếp ở Liên Xô và Bắc
Phi. Năm 1943, những quân đoàn đồng minh của Hoa Kỳ và Anh
chiếm Italia và chẳng bao lâu sau nước Ý đã phải đầu hàng.
Vì nước Đức không sao đánh bại được nước Anh trong trận
chiến Anh quốc năm 1941, nên quân đồng minh đã xử dụng quần
đảo Anh quốc như một căn cứ để đổ bộ lên nước Pháp vào năm
1944, quét sạch quân Đức ở Tây Âu và tiến vào nước Đức.
Từ phía đông, quân đội Xô Viết tiến không ngừng trên con
đường tới Berlin. Ngày 30.04.1945, trong thế bị bao vây
cả bốn mặt, Hitler đã tự sát và nước Đức đầu hàng.

NƯỚC ĐỨC THỜI HẬU CHIẾN
Ngay lập tức sau khi đầu hàng, nước Đức
đã bị phi quân sự hóa và bị chia thành bốn vùng cai trị
bởi các lực lượng chiến thắng: Pháp, Anh, Hoa Kỳ và Liên
Xô. Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã đạt được một thỏa thuận về
quản lý nước Đức vào cuối năm 1945 tại Königsberg (ngày
nay là Kaliningrad) và tất cả vùng Đông Bắc Phổ được trả
về Liên Xô. Toàn bộ lãnh thổ phía đông sông Oder giao cho
Ba Lan quản lý cho đến khi đạt được một giải pháp cuối cùng.
Động thái này đã dẫn đến một cuộc tị nạn quy mô lớn của
13 triệu người Đức đi về vùng phía Tây mà sau này trở thành
Tây Đức. Khoảng một triệu người đã chết trên cuộc di tản.
Cùng với sự bắt đầu của chiến tranh lạnh
giữa phương Đông và phương Tây, những ưu tư về việc tái
thiết nước Đức đã biến mất khi một ưu tiên mới được đặt
ra cho phương Tây - ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa
cộng sản. Năm 1948, các vùng cai trị của Pháp, Anh, Mỹ được
trả về cho Cộng Hòa Liên Bang Đức với luật pháp của chính
nó. Năm sau, Konrad Adenauer được đắc cử làm thủ tướng đầu
tiên của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Đất nước này được coi như
một giải pháp tạm thời cho đến khi nhập lại với phần phía
đông.

CẦU HÀNG KHÔNG ĐẾN BERLIN
Tháng 06.1948, Liên Xô phong tỏa phần Tây
Berlin, đóng cửa mọi con đường trên bộ từ phía tây đến thành
phố này. Cuộc phong tỏa kéo dài 10 tháng, từ tháng 06.1948
đến tháng 05.1949. Nhưng cuộc phong tỏa đã thất bại vì Phương
Tây đã huy động tổng cộng 120.000 chuyến bay đến Tây Berlin,
hằng ngày mang theo 1,5 triệu tấn lương thực, thuốc men
và các đồ dùng thiết yếu khác cung cấp cho 2 triệu dân ở
đây. Cuối cùng nhà lãnh đạo Liên Xô là Josef Stalin nhận
thấy không thể giành được thành phố bằng cách này, và việc
phong tỏa bị hủy bỏ.
Sau chiến tranh, phe Đồng minh đã nhanh
chóng khôi phục lại nước Đức. Nước Đức gia nhập Khối Hiệp
Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào thập niên 1950, tái lập
quân đội năm 1956. Năm 1963, Tổng thống Kennedy viếng thăm
Tây Đức để thắt chặt quan hệ giữa hai nước. Và ông đã cố
diễn tả tình cảm của mình bằng câu nói „Ich bin ein Berliner!“
(Tôi là người Berlin).
Nước Đức vẫn còn bị chiếm đóng và chỉ giành
được quyền tự trị vào năm 1955. Vùng phía Đông, tức vùng
Liên Xô trở thành Đông Đức - Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Đông
Đức được lãnh đạo bởi đảng cộng sản Đức do Walter Ulbricht
đứng đầu.
Berlin, thủ đô lịch sử nằm ở vùng phía
Đông do người Nga quản lý, cũng bị chia thành bốn vùng cai
trị thuộc Anh, Pháp, Mỹ và Nga. Khi Tây Đức tiến hành cuộc
cải cách tiền tệ cấp tiến sau chiến tranh vào năm 1948,
thì nhà lãnh đạo Josef Stalin đã cố gắng để giành lấy toàn
bộ thành phố cho Đông Đức bằng cách tiến hành phong tỏa
nó.

QUAN HỆ ĐÔNG - TÂY ĐỨC
Đông Đức áp dụng chủ nghĩa cộng sản, tiến
hành phân phối lại ruộng đất và tài sản. Những yêu sách
bồi thường của Liên Xô làm cho nền kinh tế kiệt quệ, hàng
ngàn người đã bỏ chạy sang phía Tây Đức giầu có hơn. Ngoài
những lý do kinh tế, nhiều gia đình còn bị chia cắt bởi
đường biên giới mới. Tháng 06.1953, những binh đoàn Liên
Xô đã khiến cho những người dân ở Đông Berlin và cả Đông
Đức nói chung phải ngạc nhiên. Đường ranh giới dài 855 dặm
giữa hai miền Đông và Tây được xây dựng và củng cố để trở
thành một hàng rào được canh gác hết sức cẩn mật, gọi là
bức màn thép. Rồi đến tháng 08.1961 thì bức tường Berlin
được xây dựng.
Trong những năm 1960, vào lúc cao trào
của chiến tranh lạnh, giữa hai miền có rất ít sự liên lạc
qua lại. Sau thập kỷ đó, thủ tướng Tây Đức là Willy Brandt
đã công bố Ostpolitik, một chương trình chính trị gặp gỡ
với chính phủ Đông Đức để cải thiện mối quan hệ giữa hai
nước Đức. Vài năm sau, một hiệp ước đã được ký kết. Các
công dân Tây Đức được phép đến thăm họ hàng ở Đông Đức trong
một thời gian hạn chế, nhưng người Đông Đức vẫn không được
phép đi du lịch sang Tây Đức.

TÁI THỐNG NHẤT
Hiến pháp Tây Đức luôn coi việc chia cắt
nước Đức chỉ là tạm thời và luôn sẵn sàng cho việc tái thống
nhất đất nước. Tây Đức luôn chào đón tất cả những công dân
Đông Đức tị nạn, những người đã phải trải qua những nỗi
gian khổ không thể tưởng tượng nổi để vượt qua biên giới.
Khi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev
bắt đầu chính sách glasnost, tức là công khai hóa ở Liên
Xô vào cuối thập niên 1980, thì sự kiểm soát Liên Xô đối
với Đông Đức dần dần giảm bớt đã dẫn đến một cuộc diễn tiến
hòa bình. Tháng 05.1989, những người dân Đông Đức đang nghỉ
hè ở Hungary đã tranh thủ cơ hội nước này mới mở cửa biên
giới để đi qua biên giới Áo đến Tây Đức. những người dân
Đông Đức khác thì tị nạn vào các sứ quán Tây Đức ở Tiệp
Khắc và Ba Lan. Năm sau, những bước tiến đầu tiên để tái
thống nhất được tiến hành khi những luật lệ hạn chế đi du
lịch ở Đông Đức được xóa bỏ. Cuộc viếng thăm của ông Gorbachev
vào tháng 10.1989 tại Berlin đã xác định rõ quân đội Xô
Viết sẽ không hỗ trợ cho đất nước này nữa. Khoảng một tháng
sau, bức tường Berlin bị san bằng. Những cuộc thương thuyết
về tái thống nhất giữa hai chính phủ Đông - Tây tiến triển
rất nhanh chóng, và một hiệp ước tái thống nhất đã được
ký kết vào ngày 03.10.1990.
Cuộc bầu cử nghị viện dân chủ toàn nước
Đức đầu tiên diễn ra hai tháng sau đó, và ông Helmut Kohl
được bầu làm thủ tướng của nước Đức tái thống nhất. |