Nước Đức
nằm ngay trung tâm Châu Âu, chiếm một diện tích 357.000
km2, từ Biển Bắc và Biển Baltic ở phía bắc cho đến dãy núi
Alpen ở phía nam. Nền văn hóa phong phú của nước Đức rất
quan trọng trong tinh hoa của nền văn hóa Châu Âu và phương
Tây. Các tên tuổi như Bach, Beethoven, Goethe, Freud, Kant,
Marx…, đó là một số trong những người con của nước Đức có
ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ của giới nhạc sĩ, nhà văn,
nhà triết học và các nhà tư tưởng chính trị trên khắp thế
giới.
Việc tái thống nhất nước Đức vào tháng
10 năm 1990, sau 45 năm chia cắt, đã tác động đến mọi mặt
của đời sống đất nước hôm nay, từ chính phủ và các cơ quan
thực thi luật pháp cho đến các điều kiện lao động và nền
kinh tế; từ điều kiện nhà ở và hệ thống giáo dục cho đến
việc tài trợ cho nghệ thuật và thể thao.
Các phần trình bày này sẽ giúp bạn đọc
hiểu biết thêm về lối sống của người Đức ngày nay, trên
cả hai khía cạnh toàn quốc và ở từng địa phương.
ĐÔNG VÀ TÂY
Việc phân chia nước Đức ra thành Đông Đức
(Cộng Hòa Dân Chủ Đức) và Tây Đức (Cộng Hòa Liên Bang Đức)
trong những năm từ 1945 đến 1990 đã ảnh hưởng nhiều đến
cuộc sống và địa lý của cả hai miền. Thậm chí nó vẫn còn
hiện diện trong sự thay đổi của nước Đức hiện nay.
Sự phát triển nông nghiệp, mô hình sở hữu
ruộng đất, kinh doanh công nghiệp, nhà ở, các hình thái
thực thi luật pháp và tổ chức chính phủ đều rất khác nhau
giữa hai miền.
Những mối quan tâm về môi trường như ô
nhiễm công nghiệp, những nổ lực quá chậm trễ trong việc
giữ gìn các di tích lịch sử, duy trì các ngôi nhà trong
điều kiện thích hợp, và hoàn trả lại những ruộng đất bị
tịch thu bởi nhà nước Đông Đức trước đây chỉ là một vài
trong số những vấn đề mà đất nước mới tái thống nhất này
đang phải giải quyết. Do những trái ngược rất rõ ràng giữa
hai nhà nước trước đây, những vấn đề kinh tế và xã hội cũng
đang nổi lên xuất phát từ thái độ nhìn nhận khác nhau đối
với việc làm, của cải, những hy vọng và tiêu chuẩn sống
của dân chúng hai miền.

BỨC TƯỜNG BERLIN
Đông Đức là phần đất nước Đức được đặt
dưới sự kiểm soát của Liên Xô sau khi kết thúc Thế Chiến
thứ II. Trong thời gian chiến tranh, vùng này đã bị bom
đạn tàn phá nặng nề và cũng phải gánh chịu các yêu sách
bồi thường cho những hành động mà nước Đức đã gây ra trong
chiến tranh. Sau chiến tranh, Đông Đức cũng ngay lập tức
phải chịu đựng một cuộc di dân ồ ạt sang Tây Đức.
Vào đầu những năm 50, biên giới giữa hai
miền Đông - Tây được canh giữ bằng những vọng gác và hàng
rào dây thép gai từ phía Đông, nhưng làn sóng người tị nạn
vẫn tăng lên, tổng cộng đến khoảng 3,5 triệu người, tiếp
tục rời Đông Đức qua ngã Berlin. Ngày 12.08.1961, một bức
tường bằng bêtông cao 3,5 mét đã được xây dựng chỉ sau một
năm, chia cắt miền Đông với miền Tây. Bức tường trở thành
biểu tượng của sự đối đầu từ phía Đông Đức, biến thủ đô
cũ của nước Đức thành một thành phố bị chia cắt khi đại
lộ chính của thành phố - đại lộ Unter den Linten - bị phong
toả bằng một bức tường dài tới 65 Km. Nhiều người đã bị
bắn chết khi cố tìm cách vượt qua bức tường này.
Ngày 09.11.1989, sau khi nước Cộng Hòa
Dân Chủ Đức (Đông Đức) sụp đổ, bức tường đã bị phá hủy.
Khi bức tường sụp xuống, những dòng người từ cả hai miền
Đông - Tây tràn sang bên kia. Những mảnh vụng của bức tường
trở thành những vật kỷ niệm được người ta thu nhặt, còn
phần nền móng của bức tường ngày nay đã trở thành nơi tắm
nắng của dân chúng.

CÁC TIỂU BANG
Trước khi tái thống nhất, Cộng Hòa Liên
Bang Đức (Tây Đức) bao gồm 10 tiểu bang. Cho đến tận bây
giờ chúng vẫn còn tồn tại trong nước Đức thống nhất. Từ
bắc xuống nam, những tiểu bang đó là:
- Schleswig-Hostein với thủ phủ là Kiel;
- Niedersachsen với thủ phủ là Hannover;
- Bắc Rheine-Westphalia với thủ phủ là Düsseldorf;
- Hessen với thủ phủ là Wiesbaden;
- Rheineland-Palatinate với thủ phủ là Mainz;
- Saarland với thủ phủ là Saarbrücken;
- Baden-Württemberg với thủ phủ là Stuttgart;
- Bayern với thủ phủ là München;
- và các thành phố là Hamburg và Bremen.
Tây Berlin là bang thứ 11, nhưng có một
quy chế luật pháp khác với các bang khác, vì về mặt hành
chính và quốc phòng nó vẫn phụ thuộc vào các đồng minh thắng
trận là Pháp, Anh và Mỹ.
Các bang của CHDC Đức trước đây là:
- Mecklenburg-Vorpommern,
- Brandenburg,
- Saxony,
- Thuringia và
- Saxony-Anhalt
được biến thành 14 tỉnh hành chính. Sau
khi tái thống nhất, các tỉnh này đã trở lại thành các bang
nguyên thủy, Đông và Tây Berlin đã sát nhập thành một thành
phố duy nhất. Ngày nay, mỗi một trong các bang đều có một
nghị viện do dân chúng trong bang bầu ra và một cơ cấu chính
phủ địa phương.

CÁC THÀNH PHỐ
Nước Đức có truyền thống mạnh mẽ về quyền
tự trị địa phương, nhưng lại không có một thành phố tự trị
nào cả. Sự giàu có, các hoạt động công nghiệp và văn hóa
được trải đều trên khắp đất nước, và điều đó đã ngăn cản
việc tập trung quá mức các nguồn tài nguyên và của cải vào
một vùng mà gây thiệt hại đến các vùng khác, một vấn nạn
thường gặp ở các xã hội khác.
BERLIN:
Thành phố bị chia cắt trước đây nay lại trở thành một trung
tâm văn hóa và nghệ thuật, với hơn 200 nhóm nhạc, những
Festival nhạc Jazz thường niên, các nghệ sĩ hiện đại đủ
các trường phái và các nhà hát nhiều màu sắc, các nhà tư
tưởng cánh tả, và những người ủng hộ hăng hái cho các phong
trào hòa bình. Đây cũng là thành phố ngoài Thổ Nhĩ Kỳ có
nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ hơn bất cứ thành phố nào khác trên
thế giới.
Đại lộ Kurfürstendamm dài hơn 3 Km nằm trong một quận có
nhiều viện bảo tàng và các cửa hiệu trong thành phố. Các
cửa hiệu trên đại lộ này thường mở cửa cho đến tận khuya.
Tháng 6 năm 1991, nước Đức thống nhất đã quyết định đưa
thủ đô từ Bonn về lại Berlin, việc di chuyển này được thực
hiện trong vòng 10 năm.
MÜNCHEN:
Là một thành phố của văn hóa và tri thức, München cũng là
thủ đô của thời trang và là trung tâm rượu, bia nổi tiếng
thế giới. Khu vực trung tâm của thành phố có đường kính
chỉ khoảng 1,5 Km, không một tòa nhà chọc trời nào được
phép xây dựng ở đây để không phá hỏng phong cách kiến trúc
nguyên thủy của nó. München là nơi tổ chức Thế Vận Hội Olympia
1972, vì thế mà những tiện ích thể thao cũng như giải trí
ở đây rất tuyệt vời, hệ thống giao thông của thành phố cũng
vậy. Nhiều công ty lớn như Siemens, BMV và MBB Aerospace
đóng trụ sở tại München.
STUTTGART:
Nằm trong một vùng thung lũng đẹp như tranh, bao bọc xung
quanh là vùng ngoại ô với những quả đồi đầy những vườn nho
và rừng cây, Stuttgart trông có vẻ nhỏ bé, mặc dù vùng công
nghiệp bao quanh nó gồm toàn những công ty lớn như Bosch,
Daimler Benz, Porsche, Standard Electric Lorenz và German
IBM. Vùng ngoại ô thành phố được xây dựng lại hoàn toàn
mới sau Thế chiến thứ II. Stuttgart có một vũ đoàn Balê
rất nổi tiếng, nhiều lãnh sự quán nước ngoài và những quán
Cafe ngoài trời mời mọc du khách nằm dọc đại lộ Schlossplatz
ở vùng trung tâm dành cho người đi bộ.
FRANKFURT
BÊN SÔNG MAINZ: Thành phố này đã trở thành một trung tâm
ngân hàng ngay từ thế kỷ thứ 16. Thị trường chứng khoán
Đức và trụ sở của hầu hết các ngân hàng ở nước Đức đều nằm
ở trung tâm thành phố. Các cơ sở tài chính và thương mại
ở Frankfurt đã đóng góp nhiều tiền bạc cho nghệ thuật, kiến
trúc và bảo tồn bảo tàng của thành phố. Đây cũng là trung
tâm xuất bản, là nơi tổ chức hội chợ sách quốc tế hàng năm
vào tháng 10. Frankfurt là một thành phố quốc tế và là một
trung tâm văn hóa với một cuộc sống trí thức rất phát triển.
22% dân cư của thành phố là những người lao động nhập cư.
BONN: Thành
phố đại học cổ xưa này là quê hương của nhạc sĩ lừng danh
Ludwig van Beethoven. Bonn là thủ đô cũ của Tây Đức từ năm
1945 – 1991. Nhiều cư dân của thành phố là các giáo sư và
sinh viên đại học, các viên chức chính phủ và các nhà ngoại
giao nước ngoài. Ngôi nhà nơi Beethoven sinh ra nay là viện
bảo tàng Beethoven, nơi lưu giữ các nhạc cụ, các bản nhạc
và các vật lưu niệm của ông. Với việc thủ đô của nước Đức
thống nhất chuyển về Berlin, Bonn đang phải chuẩn bị đối
đầu với một sự khủng hoảng trong đời sống kinh tế và công
ăn việc làm.
KÖLN (Cologne):
Köln vẫn được coi là thuộc địa hàng đầu của đế chế La Mã
xưa kia. Ngày nay ở đây vẫn còn một số nhà thờ được xây
dựng theo phong cách La Mã rất nổi tiếng. Thành phố đã bị
tàn phá nặng nề trong Thế chiến thứ II - 90% khu trung tâm
thành phố đã bị phá hủy - và việc tái thiết sau chiến tranh
có nhiều nơi quy hoạch rất xấu. Mặc dù vậy, Köln vẫn là
một thành phố mở cửa và thân hữu, và ở đó có một trạm phát
truyền hình rất tốt, nhiều nhà bảo tàng, những khu biểu
diễn nghệ thuật và những lễ hội ngoài trời. Nhờ vị trí địa
lý của mình mà Köln trở thành một đầu mối chính của hệ thống
vận tải đường sắt và là một hải cảng nội địa quan trọng.
HAMBURG:
Thành phố này được xây dựng trên mặt nước, có 2.195 cây
cầu bắc qua con sông Elber, qua hồ Alster và qua rất nhiều
kênh đào. Suốt mùa đông mặt hồ đóng băng. Ở trung tâm thành
phố có một vài tòa nhà chọc trời, hầu hết đều là các kiến
trúc xây bằng gạch đỏ. Hải cảng một thời phát đạt của Hamburg
ngày nay đang phải vật lộn trong cuộc cạnh tranh với cảng
Rotterdam, và đang bị ngăn trở bởi những luật lệ quan thuế
của liên minh Châu Âu. Hamburg có một chợ cá ngày chủ nhật
đóng cửa vào lúc 10 giờ sáng để khỏi trùng với giờ đi lễ
nhà thờ.
DRESDEN:
Là nơi bị ném bom dữ dội nhất vào giai đoạn cuối của Thế
chiến thứ II, Dresden hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Tuy
vậy một số tòa nhà cổ của thành phố đã được xây dựng lại.
Ngày nay, thành phố là một sự pha tạp hỗn độn giữa các công
trình xây dựng thời hậu chiến - nhiều trong số đó đang cần
được thay thế - và một ít các tòa nhà cổ. Vào thời Đông
Đức trước đây, những tòa nhà còn xót lại sau cuộc ném bom
của quân đồng minh bị bỏ mặc không được sửa chữa. Một số
tòa nhà, trong đó có cả Tòa Thị chính (được xây dựng từ
năm 1443) bị phá hủy. Sau ngày tái thống nhất, nạn thất
nghiệp và những bất ổn thường trực đã dẫn đến sự gia tăng
của các phong trào cực đoan trong thành phố. |