VIỆT NAM
- Trong những ngày này, các nhóm bạn trẻ Công Giáo của nhiều
nước trên thế giới đang nô nức tới tham dự Đại Hội Giới
Trẻ Sydney 2008. Mỗi nhóm khi cất bước hành trình đều mang
theo hành trang làm chứng nhân, tuy có những nét khác nhau
nhưng qui tụ vào một điểm là giương cao chân dung Chúa Kitô
trên đôi tay trẻ của mình.
Xin được giới thiệu hành trình đặc biệt
của một nhóm bạn trẻ từ nước Đức, trước khi đến Sydney,
đã có chuyến đi xuyên Việt đầy tình thương và nụ cười.
Cuộc hành trình của nhóm bạn trẻ Việt Nam
từ Đức này không theo một thứ tự thẳng dọc nước Việt Nam
mà linh động theo thời gian. Trước khi sang Úc dự đại hội,
các bạn còn làm một chuyến công tác xã hội giúp học sinh
nghèo với một nhóm khác; rồi sau đại hội trước khi trở về
Đức lại ủy lạo, tặng quà một trại cùi ở gần Hà Nội rồi lại
thăm một làng nghèo ở ven sông Hồng.
Linh mục Paul Phạm Văn Tuấn, tuyên úy của
người Công giáo Việt Nam tại hai giáo phận Hildesheim và
Hamburg gồm 11 cộng đoàn. Dù lần này chỉ là trưởng đoàn
nhóm bạn trẻ nhưng lần trước cha là trưởng ban tổ chức cho
Mục Vụ Việt Nam tại ĐHGT- 2005 tại Koeln, Đức quốc.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, cha và các bạn
trẻ đã in những chiếc áo có logo đại hội, sách Kinh Thánh
Tân Ước, dây đeo, tràng hạt và những món quà be bé để giao
lưu, trao tặng bè bạn gặp gỡ cho chuyến đi.
Nhìn vào hành trình xuyên Việt của cha
và các bạn cũng phải đáng nể. Xuống máy bay là thăm Hà Nội.
Các thắng cảnh của đất Hà Thành làm sống dậy trong lòng
bạn trẻ lòng yêu mến quê hương khó tả.
Thăm giáo phận Thanh Hóa là một việc không
thể thiếu của nhóm này vì các cộng đoàn ở Đức, đáp lời kêu
gọi của Đức cha Giuse Chí Linh, đã giúp đỡ giáo phận này
khá nhiều khi cơn bão Lekima năm 2007 gây nhiều thiệt hại
tại tỉnh Thánh Hóa.
Đi xe bus từ Hà Nội đến Huế. Nhóm đã tung
tăng thăm các di tích thắng cảnh ở Huế, trọ tại nhà nghỉ
rất đơn sơ. Đến nơi nào đoàn cũng giao lưu thân thiện với
các bạn trẻ Việt Nam và xem ra đoàn có vẻ tiết kiệm trong
việc chi tiêu để làm việc từ thiện.
Những người đi xuyên Việt, làm sao có thể
bỏ qua địa danh Đà Nẵng vì ở đó có Bảo Tàng Chàm, nơi trưng
bày những hiện vật quí giá của văn hóa Chàm nổi tiếng; thưởng
ngoại vẻ đẹp phố cổ Hội An….
Hành hương Đức Mẹ La Vang là việc nhiều
người đã làm nhưng mỗi người khi đến đó thường mang một
tâm tình khác nhau, chỉ có Đức Mẹ mới hiểu hết.
Cuộc hành trình thăm miền Bắc và miền Trung,
thăm các nhà thờ, các thắng cảnh làm cho người lớn thấy
vui, còn bạn trẻ sinh ra ở Đức thì bỡ ngỡ về quê hương của
cha mẹ mình.
Cuộc hành trình vào Sài Gòn lại có nhiều
thú vị khác, mang hương sắc đặc trưng của miền Nam đất Việt
khi đi qua miền sông nước Mỹ Tho, Sa Đéc, Cần Thơ; rồi Sóc
Trăng, Minh Hải, Cà Mau.
Mộ cha Trương Bửu Diệp có nhiều người viếng
thăm, hẳn là lúc nào cũng đón nhận những lời cầu xin. Không
biết tâm tình của linh mục trẻ trong đoàn nghĩ gì, xin gì
với cha Bửu Diệp, vị linh mục đã sống tích cực, đã chết
vì bàn tay cường bạo ghét đạo Kitô, đã vang dội tiếng tăm
và giúp đỡ nhiều người đến nỗi hình ảnh của Ngài xuất hiện
trên nhiều bàn thờ của các gia đình Công giáo?
Đến Tòa Thánh Tây Ninh của đạo Cao Đài
và vào địa đạo Củ Chi, dường như nhóm bạn trẻ này muốn nuốt
chửng các địa danh đất Việt vào hồn.
Đây là một chuyến đi rất ý nghĩa giúp các
bạn trẻ nhìn lại quê hương một cách thực tế, đang khi tham
quan các di tích lịch sử Công giáo và các danh lam thắng
cảnh, các bạn cũng bỏ giờ ra làm công tác xã hội... Chuyến
đi này có phải là một trong những chuyến ra khơi của đời
tận hiến đời mình phục vụ tha nhân? Vị linh mục hướng dẫn
đã lựa chọn cho mình những tâm tình khi thụ phong linh mục
như sau:
“Lạy Chúa, Con tìm một con thuyền
giữ gìn con, che chở con khỏi sóng gió.
Con cần một tấm lưới, cho việc làm hằng ngày,
để liên kết con với mọi người.
Con ước muốn có một cộng đoàn, hướng dẫn con trên cuộc hành
trình,
chèo thuyền với con trên biển cả.
Con khát vọng một bến bờ, nơi đó con muốn lèo lái,
Quá khứ của con, hiện tại của con, và cả tương lai của con
vào.
Lạy Chúa, con tìm một con thuyền,
Trên thuyền đó con ra khơi với Chúa,
Trên thuyền đó con an tâm hoàn toàn”.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới được Giáo Hội Công
Giáo tổ chức từ sáng kiến của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô
II để giới trẻ gặp gỡ, chia sẻ niềm tin nhưng cách làm chứng
nhân cho Đức Kitô của các bạn trẻ, tuy có khác nhau nhưng
làm cho hành trình của các nhóm đến đại hội như nở hoa,
tỏa một thứ hương thơm của lòng yêu mến quê hương, lòng
bác ái, và lòng hăng say của người trẻ trước cuộc sống vội
vã, hưởng thụ và thực dụng của thế giới hôm nay. |